Tại hội thảo, PGS, TS Cao Văn Sâm nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, việc phát triển ngành cơ khí của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi các hầu hết dự án công nghiệp lớn rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài, trong khi đó, Việt Nam đã gia nhập TPP… Do đó, để ngành cơ khí có cơ hội phát triển, cạnh tranh với thị trường quốc tế và phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cơ khí phải nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Để làm được việc này, ngành cơ khí cần chính sách nhà nước hỗ trợ để phát triển, cần nguồn vốn đầu tư lớn và ưu đãi, nhưng quan trọng nhất là cần đội ngũ kỹ sư giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vì vậy, việc Trường Cao đẳng Nghề LILAMA2 và Tổ chức GIZ phối hợp với HWK để xây dựng Tiêu chuẩn đào tạo nghề Cơ khí Xây dựng theo tiêu chuẩn Đức để áp dụng giảng dạy tại LILAMA2, trên cơ sở khảo sát, đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết cho việc đào tạo phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp cơ khí.
Trường Cao đẳng Nghề LILAMA2 được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn để đầu tư dự án xây dựng thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam do Chính phủ CHLB Đức và Chính phủ CH Pháp tài trợ bằng nguồn vốn ODA. Đến nay, dự án đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đào tạo. Trong 3 năm qua, giz đã hỗ trợ Nhà trường để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm nghề cho giáo viên của Nhà trường tại Việt Nam, cũng như tại Đức… Một phần quan trọng của dự án là Nhà trường đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ (thay mặt Chính phủ Đức) để triển khai xây dựng và áp dụng 4 chương trình đào tạo hợp tác phù hợp nhu cầu thị trường lao động Việt Nam, khu vực và theo tiêu chuẩn Đức cho các nghề: Cơ khí xây dựng, Cắt gọt kim loại/CNC, Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp.
Nhằm đạt mục tiêu, LILAMA2 đã phối hợp chặt chẽ với các Cty và doanh nghiệp FDI, các hiệp hội chuyên ngành tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - vcci, đặc biệt là với Viện Hợp tác Quốc tế Đức (AIZ) và HWK của Đức trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến đóng góp và hoàn thiện tiêu chuẩn cho 02 nghề Cơ khí Xây dựng và Điện tử Công nghiệp. Tại hội thảo này, các chuyên gia Đức và Việt Nam trình bày bản dự thảo tiêu chuẩn cuối cùng của nghề Cơ khí Xây dựng (ở định dạng DACUM) và đã nhận được sự nhất trí cao của hầu hết các doanh nghiệp có tham gia lấy ý kiến trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM và Hà Nội. Đồng thời, sau khi xem xét, đánh giá HWK xác nhận là đạt tiêu chuẩn Đức.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề LILAMA 2 nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế, là thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN, thành viên tpp… Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp thường xuyên đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, vì vậy, tiêu chuẩn nghề cần nhận được đóng góp tích cực của các doanh nghiệp. Ý kiến thống nhất tại hội thảo là cơ sở quan trọng trình Bộ Xây dựng phê duyệt Bộ tiêu chuẩn kỹ năng và áp dụng đào tạo thí điểm cho nghề này tại Trường Cao đẳng Nghề LILAMA2 và rút kinh nghiệm để nhân rộng cho hệ thống đào tạo nghề Việt Nam.