Triển vọng phát triển của ngành Cơ khí Việt Nam

Ngành Cơ khí đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống”, là nền tảng và động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Với khoảng 25.000 doanh nghiệp (DN) cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành Cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo kết cấu thép và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Ngành Cơ khí là nền tảng và động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển

Thành tựu của ngành Cơ khí Việt Nam

Trong những năm qua, ngành Cơ khí Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định. Trong một số lĩnh vực trọng yếu, các DN cơ khí trong nước đã có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo được các loại thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện; các công trình thiết bị đồng bộ cho các nhà máy công nghiệp...

Ngành Cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Điển hình phải kể đến một số DN trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco. Từ cuối năm 2019, Thaco đã xuất khẩu xe bus, xe tải, xe du lịch, sơmi rơmoóc sang Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ... Thaco cũng là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực cơ khí tại VN. DN này đã không ngừng đổi mới và phát triển hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại; ứng dụng công nghệ tiên tiến, chú trọng đầu tư hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhờ vậy dần tạo được thương hiệu về các sản phẩm tiêu biểu đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng đa dạng yêu cầu của khách hàng. Có khả năng tham gia chuỗi cung ứng trong nước và xuất khẩu như gia công cơ khí; khuôn mẫu; cơ khí xây dựng; thiết bị công nghiệp; cơ khí nông nghiệp và cơ khí ô tô. Với năng lực sản xuất của mình, Thaco cũng là nhà cung ứng cho các DN lớn như như: Toyota, Nikon...

Điểm sáng lớn nhất của ngành cơ khí có lẽ là chế tạo thiết bị điện, với việc sản xuất thành công máy biến áp 220 kV-250 MVA; máy biến áp 500 kV, đặc biệt là máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA (dòng máy siêu cao áp công suất lớn rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo), đưa vào vận hành an toàn, qua đó khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành Cơ khí điện VN.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, song công nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức:

Đầu tiên phải nói đến đó là thị trường. Ngành Cơ khí của chúng ta đa dạng về sản phẩm nhưng sự cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin và năng lực của DN trong nước chưa đủ mạnh.

Ngay tại thị trường trong nước, các DN cơ khí cũng khó có thể tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng. Các DN nội địa phần lớn là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu, chưa được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến. Bên cạnh đó, các cam kết tự do thương mại cũng tạo áp lực đối với DN trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ.

Trong khí đó, trình độ khoa học công nghệ của ngành Cơ khí còn hạn chế. Thực tiễn cho thấy, ngành Cơ khí VN có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký; công nghệ chế tạo cơ khí trong nước về tổng thể vẫn còn khá đơn giản và lạc hậu. Những thiết bị, máy móc đã trải qua nhiều năm sử dụng, hạn chế về tính năng kỹ thuật, độ chính xác thấp hơn, phụ tùng thay thế hiếm hoi.

Nguồn nhân lực thì thiếu và yếu. Không ít DN cơ khí hiện nay đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực. Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ. Trình độ nhân lực lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn thiết kế chưa đạt yêu cầu... Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do sự chủ quan, không chú trọng đầu tư cho việc đào tạo nhân lực ngành Cơ khí trong hệ thống giáo dục.

Bên cạnh đó, mức độ liên kết và hợp tác giữa các DN cơ khí trong nước với DN nước ngoài có thương hiệu mạnh còn thấp; vốn cố định cho sản xuất cơ khí lớn; chồng chéo trong quản lý; còn tồn tại tình trạng chiếm giữ độc quyền công nghệ và thiết bị… cũng là những thách thức không nhỏ cho ngành Cơ khí VN.

Triển vọng phát triển của ngành Cơ khí Việt Nam

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của VN từ nay đến năm 2030 có thể đạt 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD nhưng hiện nay, ngành Cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu thị trường. Cơ khí trong nước có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô (chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước). Đây cũng là thị trường đủ lớn để phát triển ngành Cơ khí chế tạo.

 

Bên cạnh đó, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các DN cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước những cơ hội lớn, có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, để đón được cơ hội này, các DN phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu đến các khâu sản xuất và giá thành cạnh tranh. Muốn làm được điều này, buộc các DN phải liên kết mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, cần phải có “một cuộc cách mạng” cải cách về nguồn nhân lực; về hệ thống máy móc; học hỏi kinh nghiệm và áp dụng công nghệ hiện đại, đổi mới và cập nhật công nghệ cho ngành Cơ khí.

 

Xác định cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ ngành này phát triển. Trong đó, Bộ Công Thương là cơ quan thường xuyên nghiên cứu và xây dựng báo cáo các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí. Theo Bộ Công Thương, năm 2021 Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nghị định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp tạo thị trường, tạo đơn hàng cho các DN cơ khí nội địa, thúc đẩy liên kết giữa các DN trong ngành... Với những nỗ lực này, tin tưởng rằng ngành Cơ khí VN sẽ có sự bứt phá, có đủ sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế./.

Trung Tâm IDC
Nguồncongnghieptieudung.vn

< Trở lại

Bài viết liên quan